Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Phục dựng lễ hội Thánh Mẫu Tản Viên Sơn của người Mường

        Ngày 12/9 (15/8 Tân Mão), cộng đồng người Mường Ba Vì, Hà Nội tổ chức phục dựng lễ hội thờ Thánh Mẫu Tản Viên Sơn. Lễ hội nhằm tôn vinh Đức Thánh Mẫu - người đã sinh thành Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử của người Việt.
Đây là lễ hội nhiều năm đã không được cộng đồng tổ chức. Theo tục lệ, hàng năm, ngày rằm tháng 8, bà con vùng Mường cổ lại nô nức cùng nhau góp công góp của, cùng nhau tổ chức lễ tế phụng Thánh Tản Viên Sơn và Đức Mẫu sinh ra Ngài.  
Lễ hội được bắt đầu bằng lễ rước nước, lễ tế của 5 thôn trong xã, lễ rước kiệu….Được biết, trước đây, lễ hội còn có những cuộc thi đặc sắc khác như: thi bắn nỏ, thi nấu cỗ…    
Việc tổ chức phục dựng lễ hội độc đáo này nhằm khơi lại truyền thống văn hoá cổ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá tâm linh truyền thống của cộng đồng dân tộc Mường thôn Yên Cư (nay là Yên Hồng), xã Tản Lĩnh. Lễ hội Thánh Mẫu của đồng bào Mường diễn ra đúng nhằm ngày Rằm Trung thu, chính vì thế, cũng trong buổi phục dựng lễ hội phụng Thánh và Đức Mẫu sinh ra Ngài, Ban Tổ chức đã kết hợp tổ chức Đêm hội Trung thu với chủ đề "Thánh Mẫu Hội đăng - Thu đồng con cháu".  
Đêm hội Trung thu được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn với sự tham gia của 1499 em thiếu niên nhi đồng. Hơn 100 em nhỏ học sinh giỏi các cấp đã đại diện cho 1499 em nhỏ trong vùng thả đèn hoa đăng cầu quốc thái dân an, tham gia rước đèn Trung thu, rước kiệu và được nhận quà tặng từ BTC, UBND TP Hà Nội.

                                                                             Nguồn: Báo Tổ Quốc

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Xôi cốm Kiều Mộc

Xôi cốm Kiều Mộc

Làng Kiều Mộc thuộc Tổng Mộc Hoàn xưa, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây có đặc sản xôi cốm nổi tiếng xứ Đoài.

Xôi cốm Kiều Mộc là thứ đặc sản dùng biếu người già, thông gia tỏ lòng thơm thảo, tinh tế của người Kiều Mộc.

Thời bao cấp, lương thực hiếm hoi, bữa cơm thường nhật độn sắn, độn khoai, xôi cốm Kiều Mộc chỉ được nhắc đến, nhớ đến như một niềm hoài cổ.

Bây giờ cái ăn, cái mặc đã đủ đầy, ở làng văn hóa Kiều Mộc, lại có đặc sản xôi cốm bày trong mâm cơm mới cúng Thành hoàng, trong các kỳ lễ trọng, tết nhất.

Để làm xôi cốm không có thứ gạo nếp nào ngon bằng giống nếp cái hoa vàng. Khi lúa nếp vào hạt trắc xanh, người ta chọn cắt từng bông bó lại thành "cụm" đem về nhà dùng bát úp chuốt hạt rời bông (lúc ấy lúa còn "non" nếu đập sẽ bị nát, bị dập, mất hết sữa gạo).

Sau khi gạn bỏ những hạt thóc lép người ta cho lúa vào luộc cho chín rồi đem phơi nắng cho khô, tiếp đó cho vào cối giã tách vỏ trấu. Khi ấy gạo nếp cái hoa vàng có màu xanh ngà, dài dẹt thơm mùi sữa gạo.

Nếu đem gạo ấy rang lên, tẩm thêm hương vị sẽ thành loại cốm rang, cốm bay dân dã thường thấy bày bán ở một vài nơi. Đằng này người Kiều Mộc lấy thứ gạo ấy để làm xôi cốm.

Thoạt đầu gạo được ngâm nước ấm chừng nửa tiếng rồi vớt vào rá để cho ráo nước. Sau đó, gạo được ngâm trong nước củ gừng, lá gừng tươi và lá bồng bồng (lá nếp) giã nhỏ để tăng thêm hương vị và tạo màu xanh lục mịn màng. Gạo được ủ chừng một hai tiếng đồng hồ rồi đem đồ cách thuỷ.

Mùi thơm của gạo nếp non quyện với vị gừng, hương lá nếp tạo nên một mùi thơm quyến rũ, ngon lành đặc trưng của xôi cốm Kiều Mộc.



   Khác với cốm rang, cốm cánh chuồn, được bày bán nhiều nơi, xôi cốm Kiều Mộc chỉ  có vào dịp cúng cơm mới và Thành hoàng làng là Ất Linh Lang đại vương, một trong số năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ sinh sống trên đất Phong Châu, có công giúp Kiều Mộc trở nên một dải bát ngát lúa ngô.