Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2011

Hát Dô - Lời nguyền và văn hóa cổ Xứ Đoài

Hát Dô là thể loại dân ca nghi lễ, hình thành và phát triển trên mảnh đất Lạp Hạ, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, thờ đức thảnh Tản Viên, là vị thần đứng đầu trong từ bất tử linh thiêng của dân tộc ta. Hát Dô gắn liền với lễ hội độc đáo mà lần gần đây nhất tổ chức vào năm 1926.Trước đây Hội hát Dô tổ chức theo quy định cứ 36 năm mở một lần từ ngày 10 đến 15 tháng giêng (âm lịch), nhưng ở đây đã tổ chức rước kiệu từ ở đình, miếu ra đền Khánh Xuân ngay từ chiều ngày 9 tháng giêng. Đây là một lễ hội có truyền thống dân gian lâu đời hiện đang cố gắng được phục dựng lại. Dựa vào hoạt động du lịch để khôi phục nét đẹp của lễ hội này đang được đặt ra.
Hát Dô - một nét văn hóa cổ
Theo truyền thuyết vào thời Hùng vương, trong một lần du ngoạn, đức Thánh Tản Viên - Sơn Tinh qua vùng đất, ngày nay là thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, nhận thấy đây là nơi phong cảnh hữu tình, trai thanh gái lịch, ngài đã cho xây dựng cung điện và mở hội để truyền dạy cho dân làng các điệu hát ca ngợi quê hương, tình yêu nam nữ... từ đó hát Dô ra đời.
Tương truyền, hát Dô do Đức Thánh Cao Sơn (Sơn Tinh), một trong bốn vị thánh linh thiêng nhất ở Việt Nam truyền lại. Lối hát Dô cổ truyền có tới 36 làn điệu. Người hát Dô chuẩn phải biết vừa hát, vừa múa.Phương thức diễn xướng của hát Dô khá đơn giản. Cái hát, ngoài động tác gõ xênh, hầu như không vận động gì. Các bạn nàng thường sử dụng đôi tay cùng với chiếc quạt gần như động tác múa chèo. Vần và nhịp của hát Dô cũng biến hóa linh hoạt. Có câu, có đoạn tuân theo thể lục bát một cách linh hoạt. Nhưng có những câu, những đoạn co lại, hoặc giãn ra cho phù hợp với các giọng kể, giọng ngâm.
Những làn điệu hát Dô có nguy cơ thất truyền do nỗi ám ảnh, lo sợ về một lời nguyền được truyền từ đời nay sang đời khác. Theo tục lệ xưa, lễ hội kết thúc thì tất cả những đồ vật dùng hát Dô như khăn, váy, túi đeo tay đựng trầu, sách ghi chép các làn điệu hát đều phải cất vào đền. Tuyệt đối không ai được nhắc đến, được cất tiếng hát và càng không được phép mở tráp ra xem cho đến 36 năm sau, một lễ hội mới được mở ra. Nếu ai phạm vào điều cấm kỵ này sẽ bị lời nguyền quở vào thân, người sẽ bị còm cõi, bệnh tật rồi đổ bệnh mà chết.
Ngày nay dù lễ hội khó có khả năng được phục dựng thành công nhưng những làn điệu hát Dô đang dần trở lại tại xã Liệp Tuyết. Tất cả nhờ sự vận động tích cực của nghệ nhân Nguyễn Thị Lan với nhân dân xã. Về với xã Liệp Tuyết bây giờ, hát Dô đã trở thành một phong trào văn hóa văn nghệ phát triển rất mạnh. Từ các cụ già cho đến các em thiếu nhi đều thuộc làu làu các điệu hát Dô. Lời nguyền xưa của lễ hội cổ đã dần đi vào di vãng.
Đây chính là nguồn tư liệu quí tìm hiểu về văn hóa sinh hoạt truyền thống của Phủ Quốc xưa. Phát triển du lịch tận dụng nguồn chất liệu dân gian này không chỉ góp phần tạo ra nguồn thu mới cho cư dân mà giúp những làn điệu dân gian độc đáo này còn mãi với thời gian. Các điệu hát Dô tại xã Liệp Tuyết gần đây đã bắt đầu có mặt trong một số lễ hội của vùng tuy nhiên còn rất hạn chế trong phát triển du lịch.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét