Tìm kiếm Blog này

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Non nước núi Thầy


        Chùa Thầy còn gọi là chùa Cả, tên chữ là: "Thiên Phúc Tự" thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 30 km về phía tây nam. Tương truyền được dựng từ thời Lý, dựa vào sườn tây nam núi Thầy. Quang cảnh chùa hiện nay là kết quả của nhiều đợt tu bổ trong các thế kỷ sau.
       Phía trước chùa bên trái là ngọn Long Đẩu. Giữa núi Thầy và Long Đẩu là một đầm rộng, mang tên Long Chiểu, ở giữa có thuỷ đình xinh xắn, nơi thường diễn ra trò rối nước đặc sắc. Hai chiếc cầu cổ, kiểu "Thượng gia hạ kiểu" ba nhịp có mái che (dựng năm 1602) làm tôn thêm vẻ đẹp phía ngoài chùa. Cụm kiến trúc chính của khu thắng cảnh là chùa Cả bao gồm ba lớp nhà lớn, dựng trên nền cao bó đá hộc xanh: Lớp ngoài là nhà tiền tế, lớp giữa thờ Phật, 
lớp trong cùng thời Từ Đạo Hạnh, rộng nhưng thấp, kiểu thức cổ kính. Bộ mái đồ sộ lớp ngói mũi hài to bản và dày, bốn góc cong vút lên, đặt trên bộ khung gồm 4 cột cái và 12 cột quân bằng đá quý kê trên đá tảng, liên kết với nhau bằng một hệ thống xà hoành. Khớp mộng vững chắc: xung quanh dựng ván bễng đố lụa với nhiều mảng trang trí chạm hình rồng, lân, mây, lửa rất tinh tế.
         Trong chùa có bày 3 pho tượng diễn tả ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chính giữa là tượng thiền sư đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo vóc vàng. Tượng đặt trên bệ đá quý chạm hoa sen, chim thần, rồng uốn khúc, hoa lá cách điệu. Bên trái là tượng toàn thân thiền sư bằng gỗ bạch đàn chân tay có chốt khớp cử động được. Tương truyền, khi tu ở am Hương Hải trên đỉnh núi, thiền sư có làm thuốc chữa bệnh cứu người và bày 
trò múa rối cho dân chơi giải trí. Bên phải là tượng thiền sư sau khi đầu thai trở thành vua Lý Thần Tông. Tượng đầu đội mũ bình thiên,mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Trong chùa cón có tượng của cha mẹ thiền sư, đặt trên ngai. Lưng ngai chạm trổ nhiều hình trang trí phức tạp, bao gồm các biểu tượng của Nho giáo (phủ việt, đầu rồng), Phật giáo (quả phúc) và Đạo giáo (sừng tê, ngọc báu) cùng với hoa văn sóng nước và tia sáng rẻ quạt, phía sau có ghi rõ niên đại - 1346.
       Hai bên chùa là hành lang dài thờ 18 vị La Hán. Phía sau là gác chuông treo quả chuông cổ, tương truyền đúc từ thời Lý, và lầu trống, có trống lớn đường kính tới 1,50m. Quanh chùa Thiên Phúc còn có các hang Phật Tích, Cắc Cớ, Gió, còn có chùa Cao, đền Thượng, chùa một Mái, Hoàng Kinh.

        Tương truyền chùa được xây vào thời Lý Nhân Tông (1072-1128) là nơi tu đạo của vị cao tăng Từ Đạo Hạnh người làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội, sống khoảng đầu thế kỷ 12, tục truyền có nhiều phép lạ và là kiếp trước của vua Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán, 1128-1138). Ngoài việc tu hành, cao tăng Từ Đạo Hạnh còn làm thuốc cứu người, thích múa hát. Ông thường dạy dân làm trò múa rối nước nên dân gọi thiền sư là thầy. Đến nay, ngôi chùa và ngọn núi mà hằng ngày Từ Đạo Hạnh trèo lên để tĩnh tọa gọi là chùa Cao và núi Thầy.
Trước mặt chùa về phía tả là núi Long Đẩu, hình thể cao vút, bay bướm. Giữa 2 núi có hồ Long Trì (đầm rồng). Tại đây có hai chiếc cầu với 3 nhịp mái ngói, bên tả là Nhật Tiên Kiều trông vào đền tam phủ, bên hữu là cầu Nguyệt Tiên Kiều có đường dẫn lên chùa Cao trên núi. Hai cây cầu này đã được Phùng Khắc Khoan xây năm 1602 sau khi ông đi sứ nhà Minh về.
Giữa hồ có Thủy Đình như một đóa hoa sen duyên dáng soi mình trên mặt nước, xưa được dùng làm nơi múa rối nước, một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc.
          Đối diện với Thủy Đình là chùa Cả bao gồm 3 cấp, mỗi cấp là một tòa nhà mái cong. Lớp ngoài là nơi tế lễ, lớp giữa thờ Phật, lớp trong cùng thờ Từ Đạo Hạnh. ở đây có ba pho tượng, tượng trưng cho ba kiếp của Từ Đạo Hạnh: đi tu, làm vua, hiển thánh. Chung quanh chùa lát gỗ có chạm nhiều mảng rồng, kỳ lân cùng với những ngọn lửa nhọn hoắt chĩa ra 2 bên cân đối, đây là kiểu trang trí thời Lê thế kỷ 16-17. Trong chùa có ngôi tượng Phật Tuyết Sơn nổi tiếng đẹp.
Ở gian giữa chùa trên cao có bức hoành phi với 4 chữ "Hương Hải Lưu Phương"nghĩa là "Biển thơm lưu tiếng tốt", đây cũng là nơi thờ Đức Tam Đế. Dưới là tượng Từ Đạo Hạnh lúc thành Phật, hai tay chắp trước ngực, đội mũ hoa sen, mặc áo vóc vàng, đặt trên một tòa sen xòe ra, dưới là phần trang trí chính, bốn góc bệ tạc chim thần Garuda (một loại chim hung ác nhưng đã được đức Phật cảm hóa), giữa các đường gờ có chạm rồng và hoa lá cách điệu rồng và chim Garuda được đặt cùng với nhau, điều đó thể hiện lòng từ bi trắc ẩn của đạo Phật. Bên tả là tượng gỗ toàn thân thiền sư, được để trong một cổ long đình, từ xưa tượng đã có hệ thống lò xo tự động, có thể đứng lên ngồi xuống như một con rối. Đây là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nghệ nhân xưa khi thể hiện hẳn đã liên tưởng tới vị tổ sư trò múa rối nước. Bên hữu là tượng thiền sư lúc làm vua Lý Thần Tông ngồi trên ngai gỗ, lưng ngai chạm đầu rồng, sừng tê ngọc báu, đầu đội mũ Bình Thiên vàng, mặc áo vóc vàng.
         Quanh chùa còn dãy nhà cổ, có hành lang nơi thờ các vị La Hán, phía sau là gác chuông đồng to do Từ Đạo Hạnh đúc thời Lý Nhân Tông (1109) và một chiếc trống.
        Qua cầu Nguyệt Tiên leo lên núi đến chùa Cao nơi mà xễa kia Từ Đạo Hạnh hằng ngày thắp hương thiền định. Sau chùa là động Phật Tích (hang thán hóa). Tục truyền đây là nơi Từ Đạo Hạnh đã hóa để đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hầu và sau làm vua Lý Thần Tông. Trong động có mạch nước ở khe đá từ trên núi quanh năm chảy xuống qua miệng một con rồng đắp nổi vào một bể nước trong suốt. Trên vách đá thẳng đứng có đặt một pho tượng đồng đen. Trong hang đã có một số vết lõm, tễơng truyền rằng đó là vết chân, vết trán của Thiền sư lúc ông ngã xuống và hóa.
         Tới thăm chùa Thầy du khách được hưởng thú leo núi vừa cheo leo hiểm trở, vừa thú vị tuyệt vời với những cây đại già gân guốc, cành lá sum suê, hoa thơm ngào ngạt. Leo lên đỉnh núi, nơi đây có một khoảng đất phẳng phiu. Chung quanh là những mỏm đá trông giống như những chiếc bàn, chiếc ghế, bầu rượu, túi thơ đó là chợ Trời. Tương truyền vào những đêm trăng thanh gió mát, có bầy tiên nữ xuống đây họp chợ, đánh cờ. Từ chợ Trời - đỉnh cao nhất của thắng cảnh, du khách có thể nhìn bao quát bốn phương, tám hướng, cảm nhận sự cao rộng của bầu trời cùng không khí thanh khiết nơi cửa thiền.
        Trở lại chùa Cao, đi vòng ra phía sau lên hang Cắc Cớ, nơi đây trai gái vào các dịp lễ hội vẫn tụ tập ngắm cảnh tự tình:
"Gái chưa chồng đến hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ đi hội chùa Thầy"
Đến đây ta lại nhớ tới bài thơ vịnh hang Cắc Cớ của Hồ Xuân Hương:
Trời đất sinh ra đá một chòm
Nứt ra đôi mảnh hỏm hòm hom...
         Đi tiếp theo sườn núi đến đền Thượng. Sau miếu có nhiều mỏm đá lô nhô trông giống tượng phật nên gọi là hang Bụt Mọc. Đầu năm 1947, trên đường lên Việt Bắc, Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ ở chùa Một Mái và làm việc ở hang Bụt Mọc. Ngày nay, đồng bào địa phương gọi đó là hang Hồ. Xuống ít nữa là đến hang Bò, hang sâu, âm u, tĩnh mịch, ta có cảm giác như đi vào một nơi bí hiểm rùng rợn. Đây được gọi là đường xuống âm phủ.
Cách hang này không xa là hang Hút Gió, trống cả hai đầu, quanh năm gió lùa, đây cũng là nơi ngắm cảnh vịnh thơ của bao văn nhân tài tử vì trên vách đá còn lưu lại nhiều bài thơ.
Sau cùng du khách sẽ tới thăm chùa Một Mái (còn gọi là Bối Am tự) vì mái kia dựa vào động tự nhiên mà làm thành, phía ngoài là một ngôi nhà ngói 3 gian, nơi thờ dòng họ Phan Huy, một dòng họ thi thễ nổi tiếng cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Đó là những nét chính của khu danh thắng chùa Thầy. Nơi đây có động, có hồ, có chợ Trời, đất điểm trời tô thật mỹ lệ và hấp dẫn. Một khung cảnh hòa quyện tuyệt mỹ làm đắm say lòng người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét