Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Đặc điểm địa danh Hà Tây - Hà Nội trong ca dao, tục ngữ


Văn học dân gian nói chung và ca dao, tục ngữ nói riêng là nơi chứa đựng những trầm tích văn hóa dân gian. Nghiên cứu địa danh trong ca dao, tục ngữ là nghiên cứu một mảng trầm tích văn hóa dân tộc. Nghiên cứu địa danh trong ca dao, tục ngữ Hà Tây-Hà Nội chính là tìm thấy những yếu tố ngôn ngữ cổ, ngôn ngữ thuần Việt được lưu giữ trong địa danh và từ đó thấy được đặc điểm địa hình tự nhiên, đặc điểm văn hóa xã hội của một vùng đất có truyền thống văn hóa. Hà Tây vốn là Hà Đông và Sơn Tây hợp nhất. Sơn Tây xứ Đoài hay tỉnh Đoài ở phía Tây Thăng Long. Xứ Đoài xưa gồm cả một số huyện của tỉnh Vĩnh Phúc. Xứ Đoài có núi Ba Vì, nơi Sơn Tinh, thần núi Tản Viên ngự trị. Hà Tây xưa được coi là cửa ngõ phía Tây thành phố Hà Nội trước đây và bây giờ thuộc phía Tây Hà Nội mới.

1. Địa danh tự nhiên

1.1. Địa danh tự nhiên là tên núi đồi

Xu hướng dùng hai tên gọi cho một đối tượng. Một tên theo sự tích nhân vật truyền thuyết: núi Tản Viên, một tên theo cấu tạo dình dáng của ngọn núi: núi Ba Vì:

-Nhất cao là núi Tản Viên

Ở giữa thắt đáy lên trên cổ bồng

-Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn

Trong hai tên gọi, dân gian chủ yếu gọi theo tên gắn với tâm linh nhiều hơn tên gọi hành chính. Núi Sài Sơn được gọi thay bằng tên núi Thày, núi Hương Sơn được gọi thay núi Chùa Hương:

- Núi Thày có trúc có thông

Có hang thánh hóa, đằng sau có chùa

- Thứ năm là núi Chùa Hương

Thứ sáu Tam Đảo mọi đường vui thay

(Núi Thày có tên là núi Sài Sơn, núi Phật Tích thuộc xã Sài Sơn, Quốc Oai; núi Chùa Hương, còn gọi là núi Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, Mỹ Đức).

Xu hướng đặt tên núi đồi theo cấu tạo địa hình. Các tên Đồi Đùn, đồi Vai, đồi Giếng, núi Gồ, Thiên Trù gợi nên hình dáng của núi: Đồi Đùn đứt quai, đồi Vai lọt sọt/ Đồi Giếng đứt quai, đồi Vai lọt sọt (Đồi Đùn thuộc xã Xuân Sơn; đồi Vai, Đồi Giếng thuộc xã Kim Sơn, huyện Ba Vì).

-Trông sang lại có núi Gồ

Đá xanh, đá trắng nhấp nhô gập ghềnh

(Núi Gồ thuộc làng Phượng Cách, Sài Sơn).

-Suối trong thắng cảnh Hương Đài

Suối trong dãy núi hai vai Thiên Trù

Dân gian đánh giá độ cao của địa hình núi non theo độ cao tâm linh. Núi Tản Viên là núi thiêng liêng gắn với thần Sơn Tinh, thần núi Tản Viên nên được cho là cao nhất chứ về độ cao tự nhiên thì không bằng Tam Đảo:

-Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn

-Nhất cao là núi Tản Viên

Thứ hai Ngũ Nhạc lại liền rồng pha

(Ngũ Nhạc thuộc xã Hương Sơn, Mỹ Đức)

1.2. Địa danh tự nhiên là tên sông suối, ao đầm, đồng bãi

Tên các ao hồ đồng bãi phần lớn là tên thuần Việt, chủ yếu là một tiếng:

Lòng em cũng muốn lấy vua

Nhưng em còn tiếc con cua đồng Thùi…

Em còn tiếc ốc, tiếc cua đầm Nhời…

Em còn tiếc ốc đầm Nhời, đầm Bân

(Đồng Thùi thuộc thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, Quốc Oai; đầm Nhời, đầm Bân thuộc xã Vật Lại, Ba Vì).

“Cá rô đầm Sét, cá chép sông Đơ” (sông Đơ là khúc sông Nhuệ, chảy qua thị xã Hà Đông). “…cá đầm Chan” (đầm Chan, thuộc xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ); “…khoai lang đồng Bường” (Bường thuộc xã Đường Lâm, Ba vì); “…khoai lang đồng Chữ “(đồng Chữ thuộc xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ).

Địa danh cánh đồng, gò bãi thường gắn với các sản vật nông nghiệp, nó nằm ranh giới giữa địa danh tự nhiên và địa danh xã hội nhưng địa danh tự nhiên mạnh hơn.

2. Địa danh xã hội

2.1. Địa danh gắn với sự đô hội, trù phú, nhiều sản vật nổi tiếng

“Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Bơ, Bạt” (, xã Thành Công, huyện Thanh Thủy, Vĩnh Phú; Bạt, xã Tòng Bạt, Ba Vì); “…Cấn Thượng, Cấn Hạ hay là Phú Vinh…Gốt Thượng, Gốt Hạ hay mình Xuân Mai…Trúc Động, làng Tánh, Đông Kho, Trại Quèn” (Liệp Tuyết, Quốc Oai); “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót, phủ Hoài Đức, Hà Đông); “Lĩnh Bưởi, lụa Nga, là Xổm/ The La, Lĩnh Bưởi, cấp Mỗ, chồi Phùng” (Xổm, Phú Lâm, Thanh Oai; La là làng La Khê, xã Văn Khê, Hà Đông, Phùng tức Phùng Xá, Thạch Thất); “Bánh dày quán Gánh” (quán Gánh thuộc huyện Thường Tín); “Lụa Chàng, vải Ổ khốn khó cũng mua” (Chàng, tức làng Chu Chàng, xã Chu Minh, Ba Vì); “Chè Quán Dao, cháo quán Tiên” (Quán Dao, quán Tiên xã Đức Giang, Hoài Đức); “Vải La, cà Đăm” (La, Hoài Đức); “Chè Quán Gánh, bánh Quán Tiên, cơm phố Rền, tiền Thanh Nghệ” (phố Rền tức phố Lịm, thị trấn Phú Xuyên); “Vải ngon thì nhất làng Bằng, Củ đậu Bằng Thượng thiếu gì, Dưa hấu Bằng Hạ ai bì được chăng” (làng Bằng xã Bạch Đằng, Thường Tín); “Thúng làng Sái, gạo Đồng Bồ, Cua Đồng Mái” (Sái tức làng Quảng Minh,Thanh Oai; Đồng Bồ xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên; Đồng Mái thôn Hữu Vĩnh, huyện Ứng Hòa); “Làng Chảy có quán bồ đề, Có sông tắm mát, có nghề trồng dưa” (làng Chảy là làng Nhân Vực, xã Nam Tiến, Phú Xuyên); “…Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông” (làng Chuông xã Phương Trung, Thanh Oai); “Tiếng đồn Sấu, Gía lắm dừa…” (Sấu, Gía, thuộc Hoài Đức).

2.2. Địa danh gắn với sinh hoạt, lễ hội

“Y môn Vài, gác chuông Nả” (Vài tên Nôm làng Ngọc Nhị, Nả tên Nôm làng Vĩnh Phệ, Ba Vì); “Đẹp đình So, to đình Cấn” (So, xã Cộng Hòa, Cấn, xã Cấn Hữu thuộc Quốc Oai); “Cột đình Chàng, ngọn đình Bom” (Chàng thôn Chu Quyến, Chu Minh; Bom thôn Quang Húc, Đông Quang, Ba Vì); “Chuông Trằm, mõ Bái, trống cái làng Ngăm” (Trằm xã Trầm Lộng, Bái thuộc Khu Cháy, Ngăm xã Đại Cường, Ứng Hòa); “Chuông Trào, trống Chảy” (Trào là thôn Phong Triều, xã Nam Triều; Chảy xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên); “Mõ Miêng, chiêng Khê, trống Gìa Cầu, lệnh Ải, chải Neo, chèo Bối, rối Lường” (Miêng thôn Sơn Thanh, xã Sơn Hà; Khê thôn Ngài Khê xã Tân Dân; Neo thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung; Bối thôn Bối Khê xã Chuyên Mĩ; Lường thôn Tạ Xá, thôn An Mỹ xã Đại Thắng và thôn Ngọc Lâu xã Quang Trung, Phú Xuyên); “Chiêng Bương, trống Cấn” (Bương thuộc xã Nghĩa Hương, Cấn thuộc xã Cấn Hữu); “Chẳng đi nhớ cháo dốc Ghề, Nhớ cơm phố Mía, nhớ chè Đông Viên” (dốc Ghề, xã Phú Sơn; Mía xã Đường Lâm, Ba Vì); “Làng Sêu giao hữu chín làng” (Sêu tên Nôm làng Trinh Tiết, xã Đại Hưng, Mỹ Đức); “Anh đi anh nhớ đền Và, Anh về anh nhớ quê nhà đền Măng” (đền , xã Trung Hưng; đền Măng, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây); “Bỏ con bỏ cháu, chớ bỏ 26 chợ Trôi/ chớ bỏ 26 chợ Sêu” (chợ Trôi, Hoài Đức, chợ Sêu thuộc xã Đại Hưng, Mỹ Đức).

2.3. Địa danh gắn với làng nghề, buôn bán

Nói tổng quát: “Xứ Đoài là đất trăm nghề” (Chỉ Hà Tây xưa).

Nói từng địa phương cụ thể: “Làng Sổ buôn bán nói nôm hay thề, Làng Chẩy bới lạc có nghề tinh nhanh” (Làng Sổ tên nôm làng Phú Mỹ, Chẩy là làng Nhân Vực, xã Nam Tiến). “Hồng, Nớ dệt vải bán mua tận nhà, Làng Thầy vặn võng trồng đay, Làng Bằng là lái bò trâu, Làng Bái thừng chão đã ghê, Làng Giai tơi lá che mưa” (Hồng, Nớ, Trát Cầu thuộc xã Tiền Phong; làng Thầy thuộc xã Tân Minh; làng Bằng thuộc xã Văn Bình). “Bằng, Vối nấu rượu được tăm…” (Bằng là làng Bình Vọng thuộc xã Bạch Đằng); “Bùng, Cầu là đất đánh chim, Làng Thần dệt vải đi tìm người ngoan” (Bùng, Cầu, Thần, Quan Châm thuộc xã Minh Đức); “Làng Trẹ dệt vải ra điều mỏng thay” (Trẹ thuộc xã Tân Dân); “Thợ mộc, thợ ngõa là dân Nâu, Chàng” (thuộc Sơn Tây cũ); “Nan ghép mà phất lượt Bùng…” (làng Bùng, xã Phùng Xá, Thạch Thất). “Chợ Sái chợ Hiệp mĩ miều…Chợ Bún nửa tháng sáu phiên…Chợ Nủa hàng dam hàng nơm…Chợ Trôi hàng vải hàng rơm dãi dầu…Chợ Nghệ thì lắm bò trâu…Chợ Phùng hàn xén xiết bao…Chợ Gạch chi lắm thuốc lào nhang đen…Chợ Săn gần huyện gần sông…Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên…Lờ đờ chợ Triệu mà đông…Chợ Mía mới họp mà to” (chợ Sái thuộc làng Quảng Minh, Mĩ Hưng, chợ Hiệp xã Hiệp Thuận thuộc Thanh Oai; Chợ Nủa thuộc xã Hữu Bằng, Chợ Săn xã Liên Quan thuộc Thạch Thất; Chợ Trôi thuộc huyện Hoài Đức; Chợ Nghệ, Sơn Đông thuộc thị xã Sơn Tây; Chợ Gạch, Chợ Bún, Chợ Cốc xã Văn Cốc, chợ Triệu xã Triệu Xuyên thuộc Phúc Thọ; Chợ Mía thuộc xã Đường Lâm, Ba Vì). “Ta hẹn lại mình mồng sáu pháo Đăng, Mồng tám đi chợ Đình chăng, Trở về pháo Bặt ta rằng cùng nhau…ở nhà têm trầu mồng mười chợ Chuông” (Đăng, chợ Đình thuộc xã Hoa Sơn, Bặt tên Nôm thôn Yên Liên Bạt, xã Liên Bạt, Ứng Hòa; Chuông thuộc xã Phương Trung, Thanh Oai); Em là con gái chợ Đơ…(chợ Đơ, nay là chợ Hà Đông)

Các từ đơn có yếu tố cổ thường nằm trong địa danh có yếu tố “kẻ”. “Nâu kẻ Đái, vải kẻ Đằng” (kẻ Đái thuộc xã Cẩm Lĩnh, kẻ Đằng nay thuộc xã Tây Đằng, Ba Vì). “Kẻ Hoàng tấm cám đã no, Đông Viên có gạo bán cho kẻ Hoàng” (Kẻ Hoàng tên Nôm làng Quang Húc, Đông Quang, Ba Vì). “Vân Xa để tóc, cắt trọc kẻ Mơ” (kẻ thuộc xã Vạn Thắng, Ba Vì). “Gái Kim Bài, trai Kẻ Vác” (Kẻ Vác thuộc Thanh Oai). “Tiền kẻ Giá, cá kẻ Canh, hành kẻ Láng, bánh rán kẻ Thầy, bánh tày làng Kẻ, bánh tẻ kẻ So” (kẻ Thầy, thuộc xã Sài Sơn, kẻ So thuộc xã Cộng hòa, Quốc Oai). “Kẻ Đình là đất nung nôi…Kẻ Nguyễn đi may lấy tiền… Kẻ Chuôn đi khảm kẻ dùng người yêu, Kẻ Neo con gái mĩ miều” (Kẻ Đình tức Vân Đình, Kẻ Nguyễn xã Nguyễn Xá, Kẻ Neo thuộc xã Quang Trung, Tre thuộc xã Tân Dân). “Nâu kẻ Sải, vải kẻ Núc, Kẻ Bặt thì đi đánh rào, Kẻ Dìm làm bún xinh sao hỡi nàng” (Kẻ Sải tức làng Thúy Lai, Phú Kim, Ba Vì; kẻ Núc nay thuộc xã Canh Nậu và Dị Nậu,Thạch Thất; Bặt thuộc xã Liên Bạt). “Hữu Bằng, kẻ Đải, kẻ Đang…Kẻ Mía kéo mật …”(thuộc Sơn Tây cũ). “…Không bằng tắm nước Đường Hoa kẻ Ngườm” (Ngườm tức làng Nghiêm Xá). “Kẻ Quán làm giấy, Kẻ Lựa, kẻ Vác chỉ rành đan khua, Kẻ Nàng đan rá xinh sao, Kẻ Trể thợ mộc đứng ngồi trông mong” (kẻ Quán là thôn An Cốc thuộc xã Hồng Minh Lựa, Vác xã Dân Hòa, Chuông xã Phương Trung, Thanh Oai; Nàng là làng Phú Lương thuộc xã Quảng Phú Cầu; Trễ làng Tri Chỉ xã Tri Trung, Trình Viên).

Như vậy, địa danh Hà Tây-Hà Nội trong ca dao, tục ngữ còn lưu lại nhiều yếu tố ngôn ngữ thuần Việt, nghĩa là yếu tố Nôm. Thường các địa danh tự nhiên, địa danh làng chứa nhiều yếu tố cổ, dùng nhiều từ đơn. Có những yếu tố ngôn ngữ hé mở tầng văn hoá cổ, văn hoá Bách Việt còn lưu giữ trong tên gọi của những vùng đất như Xứ Đoài, làng Cấn Thượng, Cấn Hạ… “Đoài” nghĩa là phía tây, “Cấn” nghĩa là núi nhưng cũng có nghĩa là cấn cái, ngăn trở, khó khăn. Đây là những từ cổ trong Kinh dịch. Điều đó càng làm sáng tỏ Kinh dịch là sản phẩm triết học của người Việt. Một địa danh có hai tên gọi, tên gọi thuần Việt và tên gọi Hán Việt, tên Hán Việt ra đời sau và được hành chính hoá còn tên thuần Việt được dân gian dùng trong giao tiếp hàng ngày và được lưu giữ trong ca dao, tục ngữ.

Qua tên gọi địa danh tự nhiên và xã hội Hà Tây còn lưu lại trong ca dao, tục ngữ, chúng ta có thể thấy vùng đất Xứ Đoài xưa là vùng đất trù phú, địa linh nhân kiệt gắn với truyền thuyết Sơn Tinh và các làng nghề, các phong vật đa dạng, giàu truyền thống văn hoá Kinh Bắc. Địa danh Hà Tây xưa có những nét tương đồng địa danh Hà Nội xưa, đó là còn lưu lại những yếu tố ngôn ngữ thuần Việt, gắn với vùng đất trù phú có nhiều phong vật, làng nghề.

3 nhận xét: