Cảnh chùa Tây Phương. (Nguồn: Internet) |
Trời chiều! Những hoàng hôn mỏng manh đung đưa qua kẽ lá mà dệt thành miền thanh hư. Đột nhiên, một tiếng thu rơi vào mênh mông, làm ngập ngừng dòng suy tư. Người phật tử như chìm vào tĩnh lự… lúc đó họ mới cảm thấy thế nào là “tâm tức Phật, Phật tức tâm” mong rời bỏ nhân ngã chủ quan và hội vào pháp ngã trường tồn, khơi dậy “tự tâm bản lai thanh tịnh…” để bước tới bờ giác ngộ.
Nơi ấy, chùa Tây Phương
Vào thời tự chủ, chùa có tên Sùng Phúc tự, nhằm qua uy lực của thần linh mà phật tử gửi niềm ước vọng vào một số vấn đề của cuộc sống tâm linh tới Phật đài. Sự kiện đó chỉ giữ đôi nét mờ nhạt trên tấm bia có niên đại vào thế kỷ XVII. Ngôi chùa tồn tại là sản phẩm của thời Tây Sơn với năm dựng cụ thể là 1794. Tất nhiên, vẫn còn được vài ba pho tượng của đầu thế kỷ XVIII và hằn rõ dấu vết tu bổ của nhiều lần ở đời sau.
Người Việt theo Phật giáo ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, trong hoàn cảnh đất nước bị thôn tính, đạo Phật đã sớm trở thành một vũ khí tinh thần chính để tập hợp lực lượng giành độc lập dân tộc. Đạo Phật đã tồn tại với những bước thăng trầm lịch sử của người Việt và luôn tạo thế cân bằng cho những khắc khoải của xã hội.
Dưới thời Lý và Trần (thế kỷ XI-XIV), đạo Phật được coi như quốc giáo, thời Lê sơ (thế kỷ thứ XV) bị triều đình hạn chế, nhưng sang thế kỷ XVI khi đạo Nho bị khủng hoảng trầm trọng thì đạo Phật lại được cầu viện tới. Song, đạo Phật cũng không đủ sức cứu một xã hội đầy nhiễu nhương nên chưa có hệ ý thức tiến bộ hơn để thay thế, Phật giáo và Nho giáo đã dung hòa với nhau để mang một tư cách cứu cánh. Và, một kết quả là hai ngôi chùa Kim Liên, Tây Phương ra đời.
Đứng về mặt kết cấu và nghệ thuật trên, kiến trúc hai ngôi chùa này như một cặp song sinh, chúng gần gũi nhau đến từng chi tiết và cả kích thước. Người ta thường hiểu rằng có Kim Liên (bông sen vàng - tượng trưng cho ý thức giác ngộ bản thể chân tâm) mới có Tây Phương (tượng trưng cho thế giới Phật), có nghĩa là giác ngộ Phật tính mới nhập được vào Niết bàn.
Chùa Tây Phương cảnh thực thanh tao, nằm trên đỉnh hòn núi đất Câu Lậu ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Trước đây, đường lên chùa được kê bằng những tảng đá tự nhiên to nhỏ xen nhau, mà mỗi bước đi cảm xúc như thể bước trên dòng trôi chảy của truyền thống, người phật tử xa dần cõi uế tục để nhập mình vào cõi thiêng liêng.
Lên tới chùa, không gian rộng mở, trời đất như hòa quện với nhau, những cành cây thiên mệnh vươn ngọn hút sinh vào cho đất Phật trường tồn. Chùa Tây Phương với ba tòa ngang, mỗi tòa có hai lớp mái. Những góc mái cong cong, lô xô, nhô ra thụt vào đã phá vỡ cái tĩnh lặng của tâm tư, để vẻ đẹp kiến trúc hòa quyện cùng với vẻ đẹp thánh thiện.
Đã có nhiều người tin rằng, ba tòa nhà tượng trưng cho ba lực lượng chi phối của thế giới - Thiên, mang tính chất chủ đạo, ở trung tâm (giữa) được làm cao hơn chút ít; Địa, mang tính chất nền tảng ở phía sau; Nhân, gần gũi với cuộc sống nhân thế nên ở phía trước. Đồng thời người ta cũng nghĩ mỗi tòa còn như biểu hiện cho một thế vận hành của âm dương đối đãi để sinh muôn loài muôn vật, rằng cả tòa nhà tượng trưng cho thái cực, hai lớp mái tượng trưng cho lưỡng nghi (âm nặng - mái dưới, dương nhẹ - mái trên).
Bốn phía mang ý nghĩa tứ tượng (mặt trước - thái dương, mặt sau - thái âm, mặt bên phải - thiếu âm, mái bên trái - thiếu dương). Tám lá mái tượng cho bát quái (Kiền, Khảm, Cốn, Chấn, Tốn, Ly, Khốn, Đoài). Như thế có thể nghĩa ẩn, tàng bên trong của kiến trúc thì mặt nào cũng hàm chứa ý nghĩa thuộc lĩnh vực trong sự dung hội Phật và Nho.
Tuy nhiên, tác động mạnh tới con mắt người thăm chùa là nghệ thuật tượng, mà trong đó từng pho là từng tác phẩm riêng biệt, gần như hoàn chỉnh tới mức không thừa không thiếu. Đó là, tám pho tượng Hộ pháp và thái tử Kỳ Đà được thể hiện như “vô tiền khoáng hậu” mà chi tiết ở đầu và cơ thể đầy nét gồ ghề để nhấn mạnh về sự cương quyết - quyền uy.
Nhiều pho tượng với những khối căng “no đủ” đầy chất điêu khắc; là những khuôn mặt trầm tư trăn trở với lẽ đạo và lẽ đời. Có thể thấy các pho tượng chính đã được trải đều trong ba tòa nhà. Tại tòa trong, nơi đặt bộ tượng Tam thế Phật có niên đại vào đầu thế kỷ XVII, được làm rất kỹ, tỉa tót nhiều hoa văn cách điệu, với mỗi tượng có một hào quang sau lưng, mà chúng ta như thấy một sự kế thừa từ chùa Bút Tháp (Bắc Ninh).
Tam thế Phật tượng trưng cho ba ngàn Phật của các thời quá khứ - hiện tại - vị lai, nối nhau hoằng hóa đạo pháp cứu đời. Bộ tượng này rất đẹp, mang tính chuẩn mực. Cùng ở tòa này có bộ Thập điện diêm vương, song nổi lên là tượng 16 vị Tổ truyền đăng (truyền ánh sáng đạo pháp) mang tư cách một trọng tâm nghệ thuật của chùa.
Đó là tổ thứ ba: Thượng Na Hòa Tu, thứ năm: Đề Đa Ca, thứ bẩy: Bà Tu Mật, thứ tám là: Phật Đà Nan Đề, thứ chín: Phục Đà Mật Đa, thứ mười: Hiệp Tôn Giả, thứ mười hai: Mã Minh, mười ba: Ca Tỳ Ma La, mười bốn: Long Thụ tôn Giả, mười sáu: La Hầu La Đa, mười bảy: Tang Già Nan Đề, mười tám: Già Da Đa Xá, mười chín: Cưu Ma La Đa, hai mươi: Xà Dạ Đa, hai mươi bảy: Bát Nhã Đa La, hai mươi tám: Bồ Đề Đạt Ma.
Nhìn chung các tượng đều một phong cách, cùng mặc áo cà sa như nhau, song nếp áo mỗi vị theo dáng ngồi thế đứng mà tạo nếp và đường lượn khác nhau, nhằm đề cao tâm đạo và trí tuệ. Dưới bàn tay của những nghệ nhân bậc thầy, tượng này cũng nổi bật một cá tính riêng gắn với sự tích, đều sống động và thanh thoát. Các vị tổ được chọn còn đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội để nói về tính chất cởi mở hòa đồng của đạo Phật…
Ở tòa giữa, nơi đặt bàn thờ chính, trên cao nhất là bộ Di Đà tam tôn đứng, cũng gọi là Di Đà phát quang, nhằm biểu hiện sự cứu độ gấp gáp. Trung tâm Phật điện là bộ tượng Tuyết Sơn mang tính điển hình mà thần thái và nghệ thuật đã đủ sức để nói về khía cạnh sâu lắng của trí tuệ Phật, của kiếp tu và giáo dục người đời.
Tiếp dưới là bộ Di Lặc tam tôn, tuy rất béo tốt, mà vẫn tự nhiên không bị gò vào quy luật đăng đối - Di Lặc Phật - Đấng từ tôn, mang tư cách chúa cứu thế, Ngài xuất hiện khi cuộc đời bị đổ vỡ, xã hội trở nên bức bối. Ngoài ra còn tượng Thích Ca sơ sinh, Quan Âm thiên thủ và nhiều tượng khác.
Chùa Tây Phương là một di tích điển hình của nghệ thuật Phật giáo Việt biểu hiện ở kiến trúc, điêu khắc tượng và ở các bức phù điêu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng truyền thống cũng như giá trị nghệ thuật cao./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét