Không lỡ hẹn với đất, với người. Xuân về trong nắng ấm lộc xanh, chồi non thầm thì bật dậy. Áo xuân phơi phới sắc hồng của cành đào nơi cánh bãi sông Hồng, rực rỡ chợ hoa Hà Nội và trên mênh mông vườn quả xứ Đoài.
Từ mạch ngầm núi Tản, con sông Tích mềm như dải lụa, cuốn mình chắt giọt phù sa nuôi miền đất bãi. Bên sườn núi Tản Viên là sông Đà hợp lưu cùng sông Thao thành sông Cái - sông Hồng, chảy ngầm như máu và bất tử như huyền thoại, quanh năm phù sa sậm đỏ tưới lên miền đất xứ Đoài, nơi có những địa danh thoạt nghe tên đã thấy ngọt ngào, đậm đà hiện thực và lung linh huyền thoại. Huyền thoại ấy gắn với sự tích một loài cây - cây mía. Còn hiện thực? Chẳng phải suốt một rẻo quê từ Ba Vì, Sơn Tây, cả vùng đất Phong Châu của vua Hùng đến mọi miền đất nước hình chữ S, trong những ngày Tết cổ truyền thiêng liêng, bên bàn thờ gia tiên thường có đôi cây mía làm gậy cho ông bà tiên tổ xuyên hành trình tâm linh về bên con cháu? Thứ lễ vật đó khiến ta khi đứng trước bàn thờ gia tiên lại thêm một lần hoài niệm, lòng hướng về nguồn cội... Truyền thuyết xứ Đoài kể, Hùng Vương thứ 16 có một nàng công chúa xinh đẹp, tên gọi Mị Ê. Chẳng màng vàng son cung cấm, nàng thường trốn vua cha tìm đến vùng sông nước, trồng ngô, trồng khoai, đắm cùng lao khó của người dân. Một lần, tình cờ công chúa gặp loài cây thân có nước, nếm thấy vị thơm ngọt, bèn sai trồng thử. Cây mọc xanh tốt, dân chúng chặt về ép nước và nấu thành thứ mật quánh sẫm ngọt ngào. Nếm thứ mật con dâng, vua Hùng vô cùng cảm động đã lấy tên con gái đặt cho loài cây quý và coi thứ cây đó như một lễ vật, dâng ông bà tiên tổ vào mỗi Tết cổ truyền. Cây Mị Ê từ đó được trồng khắp nơi, dọc sông Tích, sông Đáy và bên cánh bãi sông Hồng, chảy miết mải qua những miền quê. Cùng thời gian, người ta đọc chệch Mị Ê ra mi-ế, rồi thành chữ “mía” như nay. Có phải thế không mà nhiều làng cổ ở xứ Đoài đã mang tên ngọt ngào như mía: Đường Lâm (rừng ngọt), Cam Giá, Cam Lâm, Cam Thượng? Và Chùa Mía, nơi thờ bà Chúa Mía từ lâu đã là di tích lịch sử đặc biệt của xứ Đoài. Kẻ Mía - tên gọi một vùng cư dân rộng lớn xứ Đoài đã bắt đầu lịch sử của mình bằng một huyền thoại đẹp và ngọt ngào như thế! Ở thế núi, thế sông kỳ vỹ, lưng tựa vào núi Tản, ngực vồng như cánh bãi sông Hồng, nên con người Kẻ Mía - xứ Đoài cũng kỳ vỹ và bất tử. Xa xưa, tổng Cam Giá, trấn Sơn Tây có bà Man Thiện, dòng dõi Hùng Vương, người mẹ vĩ đại sinh hai nữ tướng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Khởi nghĩa mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đánh tan quân Hán, xưng Vương đóng đô ở Mê Linh, tôn mẹ là Man Hoàng hậu. Không ở kinh đô, bà Man Thiện về quê làng Nam Nguyễn (nay thuộc Cam Thượng, Ba Vì) lập đồn trấn giữ. Mã Viện đem quân xâm lược, bà Man Thiện tuổi cao vẫn cùng ba quân anh dũng chiến đấu rồi gieo mình xuống sông Hồng tự vẫn. Hai Bà Trưng lui về Cấm Khê, chiến đấu tới cùng, quyết không rơi vào tay giặc Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết. Tấm gương liệt nữ của mẹ con bà Man Thiện mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm. Phải chăng dòng máu đào của những nữ tướng anh hùng hòa với nước sông nặng phù sa nên dòng sông quặn đỏ cả trong những ngày đông giá buốt và ngày hạ dâng ngập ven bờ - màu của muôn thuở nỗi niềm?
Và nữa, vùng đất ngọt đậm đặc truyền thuyết Sơn Tinh - người anh hùng trị thủy, người khai sáng văn hóa, người được tôn vinh là vị thần núi Tản, đứng đầu “tứ bất tử” trong tâm thức người Việt còn dày đặc di tích lịch sử danh thắng gắn với tên tuổi của các vị anh hùng dân tộc. Đường Lâm - Kẻ Mía, nơi “một ấp hai vua” Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô vương Ngô Quyền. Phùng Hưng, vị hào trưởng đất Đường Lâm có sức khỏe phi thường, người người kính phục, tôn vinh thủ lĩnh. Dấy binh khởi nghĩa chống lại ách đô hộ nhà Đường, được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, 7 năm giữ quyền tự chủ, Phùng Hưng mất, nhân dân thương tiếc lập đền thờ, tôn làm Bố Cái Đại vương. Cách đền Phùng Hưng không xa là di tích đền và lăng Ngô Quyền - vị tướng tài ba dùng cọc tre đánh tan thủy quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt thời kỳ mất nước kéo dài nghìn năm, mở trang sử độc lập tự chủ của dân tộc... Và, cũng trên mảnh đất đậm ngọt truyền thuyết cây mía - “cây gậy ông vải” lại xuất hiện Thám hoa Giang Văn Minh, vị sứ thần Đại Việt thời Lê không làm nhục quốc thể, một mình chứng minh một nước Nam bất khuất kiên cường... Mảnh đất địa linh nhân kiệt mang khí thiêng sông núi, chảy mãi ngàn năm huyền thoại anh hùng. Sống trong huyền thoại, bước vào lịch sử, đất ngọt xứ Đoài nuôi dưỡng bao anh tài văn võ như: Lê Anh Tuấn, Nguyễn Bá Lân, Kiều Oánh Mậu, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu; một làng Cổ Đô họa sỹ; một làng Việt cổ Đường Lâm - duy nhất của cả nước... Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc đã chứng minh một xứ Đoài anh hùng, an toàn khu cách mạng, nơi có di tích lịch sử K9 từng giữ gìn, bảo vệ thi hài Bác từ khi Người qua đời (1969) đến năm 1976. Trên đỉnh Vua, có độ cao hơn 1.200m là đền thờ Đức Thánh Tản; nơi ấy còn có một khoảng đất bằng, rộng, ngàn năm vẫn để dành như chờ đợi một sứ mệnh tương xứng; và từ năm 1999, ngôi đền linh thiêng thờ Bác Hồ đã hiện hữu. 779 bậc đá từ chân núi lên đỉnh Vua, con cháu sẽ được quần tụ bên Người, được ngắm đất trời, cảnh sắc thiên nhiên, được nới rộng tấm lòng mà chiêm ngưỡng cái bao la hùng vỹ của cả một vùng non nước xứ Đoài, Thủ đô Hà Nội văn hiến. Để, từ trên non ngàn này mà vọng về Đất tổ Phong Châu - nơi con cháu muôn phương hành hương về với cội nguồn dân tộc mỗi độ xuân về. Từ đây, phóng tầm mắt, sẽ thấy khúc đuôi của sông Đà - nơi in dấu trận thủy chiến Sơn Tinh thắng Thủy Tinh thuở hồng hoang dựng nước; thấy sông Hồng tựa con rồng vĩ đại ôm cánh bãi chảy qua Ba Vì, Sơn Tây, tới bến Phú Nhi, về hạ lưu - Hát Môn (Phúc Thọ), bỗng xòe ngón tay cái làm thành con sông Hát (sông Đáy) chảy những dòng lịch sử bi tráng, hào hùng... Xuôi dòng sông là Thăng Long ngàn năm văn hiến - nơi tụ khí anh linh, trái tim lớn của đất nước hình chữ S thân yêu... Sông Hồng - con sông ngàn đời chảy ngầm như máu và bất tử như huyền thoại, rót vào lòng mình dòng máu Man Thiện, Hai Bà Trưng, thấm vào mảnh đất, nuôi dưỡng sức mạnh, quyền uy Phùng Hưng, Ngô Quyền, vọng mãi ngàn năm lịch sử anh hùng, ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Xuân Kỷ Sửu ấm áp và tràn đầy kỳ vọng vào sự đổi mới của thành phố mang tầm vóc mới, hiện đại và bề thế đang về. Cho ta - phút giao hòa trời đất, bỗng thấy cay cay khóe mắt, khi đôi tay chợt chạm vào cây gậy Mía bên bàn thờ tiên tổ, lòng bồi hồi nhớ loài cây ngọt ngào huyền thoại, dâng mật cho đời. Như dòng sữa mẹ, cho ta sức mạnh, tự tin, vững bước trên hành trình thiên lý... |
Tìm kiếm Blog này
Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011
Huyền tích xứ Đoài
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét