Chùa có tên chữ là Quảng Nghiêm Tự, lại được gọi là chùa Sở, vì tọa lạc trên núi Sở. Cả thềm cao của đồng bằng sông Hồng nối với vùng trung du này được cấu tạo bởi nhiều dải núi đất núi đá đan xen, trong đó núi Sở được coi là con Ngựa, gần đó có núi So được mệnh danh là con Hổ, còn có những gò đất được gọi là con Mộc, con Hỏa, con Long... Xa một chút về phía Quốc Oai là dãy Sài Sơn với chùa Thầy danh tiếng. Từ xưa, vùng phúc địa này đã trở thành không gian lý tưởng cho các lễ hội văn hóa tín ngưỡng, nhất là lễ hội mùa xuân, để người ta vãng cảnh, kết bạn và giao duyên. Do vậy, ca dao địa phương có câu: Vui từ So, Sở vui ra chùa Thầy...
Chùa Trăm Gian được xây dựng từ niên hiệu Trinh Phù thời Lý Cao Tông (1176-1185). Vào cuối thời Trần, đại thiền sư Nguyễn Bình An người làng Bối Khê, Thanh Oai, trụ trì tại chùa, được dân gian coi là thánh, cũng như Từ Đạo Hạnh bên chùa Thầy. Chính Đức thánh Nguyễn Bình An cho đón thợ giỏi về trùng tu, mở rộng chùa. Tương truyền, Ngài thần thông quảng đại, thường đi guốc trèo lên các hoành nhà trông coi việc sửa chùa.
Đến thế kỷ XV, nhà Minh sang xâm lược nước ta. Tương truyền, đức thánh Nguyễn Bình An làm mưa máu khiến giặc bị ốm chết khá nhiều, nên phải rút đi. Năm 95 tuổi, Ngài cho đóng khám gỗ, đêm 12 tháng Chạp vào ngồi trong đó và dặn đệ tử sau trăm ngày mở ra, nếu thấy thơm thì rút tượng mây để thờ, còn thấy uế khí thì đổ ra sông Cái. Mới mồng 4 tháng Giêng, dân chúng đã hé nhìn vào khám, thấy có ánh hào quang và hương thơm, liền kéo nhau lên chùa làm lễ. Dân Bối Khê xin được rước bát nhang về thờ vọng Ngài. Do vậy, sau này có việc kết chạ giữa Bối Khê và Tiên Lữ. Sau đó, quân Minh có lần lên cướp phá và đốt chùa, hủy mất ngôi khám thờ đại sư Nguyễn Bình An...
Hơn 300 năm sau, gió mưa khiến chùa bị hư hại nhiều. Năm 1794, Đô đốc Đông lĩnh hầu Đặng Tiến Đông danh tiếng của nhà Tây Sơn, do yêu mến cảnh chùa, đã cho trùng tu lớn, đúc thêm chuông đồng và dựng bia đá để ghi công ơn của Đức thánh Bối (Nguyễn Bình An), lại làm bia hậu và dựng tượng cho mình mà dân gian thường gọi là tượng Quan Đô.
Chùa đẹp nhất phủ Quốc Oai
Chùa Trăm Gian tọa lạc trên núi đất không cao, có đỉnh bằng phẳng, sườn thoai thoải vốn trồng nhiều thông, từ xa xưa đã nổi tiếng là chốn tùng lâm thanh tĩnh. Chùa dựng theo kiểu cứ bốn cột tạo thành một gian, và có tới 100 gian. Toàn bộ chùa gồm có ba cụm kiến trúc. Từ ngoài vào, đầu tiên có hai ngôi quán, là nơi thường tổ chức đánh cờ người trong những dịp lễ hội. Bên trái, có ngôi nhà Giá Ngự, nhìn ra một hồ bán nguyệt, là nơi xưa kia thường rước Đức thánh Bối ra ngự xem múa rối nước. Cụm kiến trúc tiếp theo là tam quan, cũng là gác chuông của chùa, tạo dựng theo kiểu chồng diêm, hai tầng, tám mái. Đây là công trình kiến trúc mang tinh hoa tiêu biểu của kiến trúc thế kỷ XVII, có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử. Trên gác chuông treo quả chuông Đô đốc Đặng Tiến Đông cho đúc, bài minh trên chuông do danh sỹ Thụy Nham hầu Phan Huy Ích soạn. Từ tam quan - gác chuông, leo qua 27 bậc đá, là tới cụm kiến trúc thứ ba, chùa chính, bắt đầu là khu tam bảo. Đây là hệ thống kiến trúc cổ kính, tạo dựng theo bố cục nội công ngoại quốc, hai bên là hai dãy hành lang, phía sau là nhà Tổ. Gian bên trái chính điện là nơi thờ Đắc đạo chân nhân Nguyễn Bình An.
Như bia Quảng Nghiêm Tự bi ký, dựng năm Hoàng Định thứ tư, 1603, đời Lê Kính Tông, thì đây là chùa đẹp nhất phủ Quốc Oai. Trong chùa chính có hàng trăm pho tượng Phật tạo tác bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng. Hai dãy hành lang hai bên thượng điện thờ 18 vị La Hán và Thập điện diêm vương. Không giống những chùa khác ở xứ Bắc, tại chùa Trăm Gian, các vị La Hán được chạm nổi trên phù điêu gỗ. Có thể nói, hệ thống tượng Phật của chùa tiêu biểu cho một Phật điện truyền thống ở nước ta, gồm các tượng từ Tam thế Phật xuống đến Hộ pháp, trong đó có những tác phẩm tiểu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tượng thờ của Việt Nam, như tượng Tuyết Sơn và hệ thống phù điêu.
Trong chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý, như đôi rồng bậc cửa thời Trần, nhiều viên gạch trang trí thời Mạc... Đáng chú ý là chùa Trăm Gian có bệ thờ bằng đất nung với những hoa sen nổi cánh, cá hóa rồng, voi lồng, ngựa hý; bốn góc bệ tạo tác hình người cánh chim. Gạch xây bệ là gạch hòm sớ, chạm nổi hoa văn hình chữ triện, hoặc rồng, hươu, nai, tôm, cua, hổ, báo rất ngộ nghĩnh. Đây là nghệ thuật điêu khắc gốm thời Lý-Trần, đẹp và hiếm! Tới thời Lê, bệ thờ hoa sen đã được tu bổ, sửa chữa thêm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét