Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 9 tháng 6, 2011

LỄ HỘI XỨ ĐOÀI

Hà Tây có rất nhiều lễ hội mang đặc trưng của lễ hội truyền thống đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, mỗi làng, mỗi vùng đều có lễ hội riêng. Mỗi lễ hội như một bảo tàng văn hoá sống động thể hiện rõ những nét đặc trưng văn hoá dân tộc. Du khách sẽ bắt gặp những nghi lễ tôn thờ các vị thần linh của cư dân nông nghiệp để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu hay để tôn vinh, tưởng nhớ những vị anh hùng, những người có công lao với đất nước, với làng xã được tôn làm phúc thần bảo hộ. Lễ hội cũng là dịp để du khách tham dự vào những trò chơi dân gian như đấu vật, đánh cờ người, thổi cơm thi, kéo co, hội thả diều, hội chọi gà... hay xem các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống như hát dô, hát chèo tầu, múa rối nước, múa rôi cạn ...

MỘT SỐ LỄ HỘI NỔI BẬT

1. Hội Chùa Bối Khê

Xã Tam Hưng, Thanh Oai mở vào ngày 2 tháng Giêng âm lịch, thờ phật và đức thánh Bối Nguyễn Bình An. Trong hội có lễ rước kiệu, đánh cờ người.

2. Hội Chùa Trăm Gian

Xã Tiên Phương, Chương Mỹ là lễ hội thờ phật diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Trong hội có lễ rước kiệu, múa rối nước, đấu vật.

3. Hội Chùa Hương

Xã Hương Sơn, Mỹ Đức là lễ hội dài nhất Việt Nam từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 25 tháng Ba âm lịch. Du khách thập phương về đây lễ phật cầu may và tham quan khu danh thắng Hương Sơn.

Chùa Hương là mùa lễ hội dài nhất ở Việt Nam, kéo dài từ đầu tháng giêng tới cuối tháng 3 âm lịch hàng năm. Du khách có thể đi bằng đường bộ theo hành trình Hà Nội - Hà Ðông - Vân Ðình - Hương Sơn hoặc từ thị xã Phủ Lý ngược dòng sông Ðáy lên Bến Ðục - Yến Vĩ - Hương Sơn.

Theo tâm thức của người Việt Nam Hương sơn được coi là cõi Phật. Chùa Hương là nơi thờ Phật Bà Quan Âm. Ngày 6 tháng giêng là ngày khai hội, có tổ chức múa rồng ở sân đền Trình, bơi thuyền múa rồng trên dòng suối Yến.

Hội trải rộng trên 3 tuyến, tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn và tuyến Long Vân. Hội chùa đông nhất từ 15 đến 20 tháng 2 (chính hội). Ðường núi từ chùa Ngoài vào chùa Trong lúc nào cũng tấp nập từng đoàn người lên lên, xuống xuống.

Trảy hội chùa Hương không chỉ đi lễ Phật mà còn là có dịp thưởng ngoạn cảnh đẹp của biết bao hình sông thế núi, có cơ hội nhận biết bao công trình lớn nhỏ đặc sắc của di tích Hương Sơn đã trở thành di sản văn hoá của dân tộc.
Thông tin tóm tắt:
Thời gian: 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: xã Hương Sơn, huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây.
Đối tượng suy tôn: Phật Bà Quan Âm
Đặc điểm: Múa rồng, bơi trải.

4. Hội Quán Thánh

Xã Thống Nhất, Thường Tín mở vào ngày 8 tháng Giêng âm lịch thờ thành hoàng là Thánh Gióng, người có công đánh giặc Ân bảo vệ đất nước. Trong hội có lễ dâng hương, đánh cờ người.

5. Hội Chùa Đậu

Xã Nguyễn Trãi, Thường Tín diễn ra từ ngày 8 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch thờ thần Pháp vũ, bà Đậu. Trước đây là lễ cầu mưa của vua chúa phong kiến, nay là dịp lễ phật cầu may đầu xuân của dân trong vùng.

6. Hội làng Chuông

Xã Phương Trung, Thanh Oai diễn ra vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công ơn của Bố cái đại vương Phùng Hưng. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu, hội thổi cơm thi. Đây còn là làng làm nón lá cổ truyền nổi tiếng.

7. Hội Dô

Xã Tuyết Nghĩa, Quốc Oai 36 năm mới mở hội một lần diễn ra từ ngày 10 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của đức thánh Tản Viên, người đã truyền dạy dân làng các điệu hát Dô. Trong hội có các trò chơi như bơi thuyền, múa rối và đặc biệt không thể thiếu hội thi hát Dô.

8. Hội làng Đa Sĩ

Xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng và cũng là ông tổ nghề rèn, Hoàng Đôn Hoà. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, múa rồng.

9. Hội Đình Tây Đằng
Thị trấn Tây Đằng, Ba Vì diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, tưởng nhớ công lao đức thánh Tản Viên và hai vị tướng của ông là Cao Sơn và Quý Minh. Trong lễ hội có lễ dâng hương, rước kiệu và bài vị của ba thánh

10. Hội Đền Và

Xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây mở vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thờ đức thánh Tản Viên. Trong hội có lễ dâng hương, cứ vào năm chẵn lại có lễ rước kiệu lên đền thượng trên đỉnh Ba Vì, lễ tắm tượng, tục đánh cá.

11. Hội làng La Khê
Xã Văn Phú, thị xã Hà Đông mở ngày 15 tháng Giêng âm lịch với nghi lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian như đấu vật, thi võ, đập niêu, thổi cơm thi.

12. Hội hát Chèo tầu

Xã Tân Hội, Đan Phượng, trước đây 30 năm mới mở một lần ngày nay từ 5 đến 7 năm mở hội từ ngày 15 đến ngày 23 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ công đức của Văn Dĩ Thành một viên tướng có công đánh giặc dưới thời nhà Trần. Trong hội có biểu diễn hát chèo tầu trên các mô hình thuyền rồng và các trò chơi dân gian khác, đây là một lễ hội dân gian rất độc đáo và đặc sắc của vùng văn hoá xứ Đoài.

13. Hội làng Yên Nội
Xã Đông Quang, Quốc Oai diễn ra vào ngày 10 tháng Hai âm lịch với các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương, đấu vật, thi võ để tưởng nhớ công đức của tướng quân Cao Lỗ thời An Dương Vương.

14. Hội Chùa Thầy

Xã Sài Sơn, Quốc Oai diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ đức thánh Từ Đạo Hạnh người đã tu thành chính quả tại Chùa Thầy. Trong hội có lễ rước kiệu và các trò vui dân gian như múa rối nước, đấu vật

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây, nơi thờ pháp sư Từ Ðạo Hạnh với 3 kiếp sống của ông. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày 7 tháng 3 âm lịch là chính hội. Hội mở đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc, trang nghiêm. Quần chúng bị cuốn hút theo nhịp hát kinh của các nhà sư.

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi, đặc biêt là khách được xem nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Ðình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật.

Trẩy hội chùa Thầy ngoài lễ Phật, khách còn hưởng thú vui leo núi, thưởng ngoạn cảnh trí thiên nhiên của xứ Ðoài. Ngoài ra khách còn được về thăm vùng quê nổi tiếng về văn hiến gắn với những huyền tích về những danh nhân, những thiền sư của nhiều thời đại đã từng đến đây và làm giàu thêm những giá trị truyền thống của miền đất danh thắng này.
Thông tin tóm tắt:
Thời gian: 5 - 7/3 âm lịch.
Địa điểm: xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây
Đối tượng suy tôn: pháp sư Từ Ðạo Hạnh, ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.
Đặc điểm: Lễ cúng phật và chạy đàn. Trò chơi rối nước.

15. Hội Chùa Tây Phương

Xã Thạch Xá, Thạch Thất diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch là lễ hội cầu phật với các hoạt động văn hoá dân gian như múa rối nước, đấu vật, múa sư tử.

16. Hội đền Hát Môn (đền thờ Hai Bà Trưng)

Image

Xã Hát Môn, Phúc Thọ diễn ra vào ngày 6 tháng Ba âm lịch, tương truyền là ngày mất của hai Bà. Lễ hội là dịp nhân dân tưởng nhớ công lao của Hai Bà Trưng với những nghi lễ như dâng hương, rước kiệu và các trò vui như bơi trải, đấu vật

Xã Hát Môn là nơi Hai Bà Trưng trầm mình ở đoạn sông Đáy. Hội đền Hát Môn mở vào ngày giỗ Vua Bà.

Đền mở cửa thắp hương, cử hành lễ tế, dâng cúng 100 viên bánh trôi hình trứng còn gọi là bánh tù tì, rồi thả 49 viên vào lòng 49 bông sen, thả trên sông Đáy vào đêm 5/3. Ngày 6/3 lễ cúng bánh trôi dâng Hai Bà Trưng, sau đó dân làng mới được ăn bánh trôi. Ngày 4/9 âm lịch (ngày lập đàn thề, truyền hịch cứu nước, tế cáo trời đất,"Trả nợ nước, báo thù nhà") có tế lễ, các trò chơi thượng võ, luyện quân. Ngày 24/12 âm lịch (hội mừng chiến thắng) có lễ mộc dục (tắm tượng Hai Bà) bằng nước lấy từ giữa dòng sông Đáy. Lễ rước trên các kiệu sơn đen có 2 chủ lễ, 2 hương án, 2 người đọc chúc văn, 2 đội nữ binh hậu cần...

Thông tin tóm tắt:
Thời gian: 4 - 7/3, 4/9 và 24/12 âm lịch. Chính hội 6/3 âm lịch.
Địa điểm: Thôn Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.
Đối tượng suy tôn: Hai Bà Trưng.
Đặc điểm: Ba lễ hội trong năm. Có tục dâng cúng bánh trôi. Tục thả bánh trôi trên sông vào đêm 5/3 âm lịch.

17. Hội Giá xã Yên Sở,

Hoài Đức diễn ra từ ngày 10 đến ngày 26 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ công lao của Lý Phục Man một vị tướng dưới thời Lý Nam Đế. Trong hội có rước kiệu, thi võ, đấu vật.

18. Hội thả diều Bá Giang
Xã Hồng Hà, Đan Phượng diễn ra vào ngày 15 tháng Ba âm lịch là dịp tưởng nhớ công ơn của Nguyễn Cả, người đã dạy dân làng làm diều. Trong hội có thi chim, thi diều và các trò vui dân gian khác.

19. Hội bãi Tự Nhiên

Xã Tự Nhiên, Thường Tín diễn ra từ ngày 30 tháng Ba đến ngày 2 tháng Tư âm lịch kỷ niệm chuyện tình yêu cảm động giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, chàng trai đánh cá nghèo. Trong hội có các nghi lễ như rước kiệu, dâng hương và các nghi lễ miêu tả câu chuyện tình của Tiên Dung và Chử Đồng Tử.

20. Hội làng Tri Chỉ

Xã Tri Trung, Phú Xuyên vào ngày 4 tháng Tư âm lịch là ngày giỗ của Linh Lang đại vương, người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Trong hội có lễ dâng hương, rước kiệu và các trò chơi dân gian khác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét