Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian. (Nguồn: Internet)

“Quảng Nghiêm tự” là tên chữ của ngôi chùa trên núi Sở thuộc thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phượng, huyện Chương Mỹ. Chùa có quy mô lớn thuộc loại “trăm gian”. Vì thế chùa có các tên gọi thông dụng là chùa Trăm Gian, chùa Sở, chùa Núi hay chùa Tiên Lữ.

Xa xưa nơi đây là xã Tiên Lữ, tổng Tiên Lữ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, sau chuyển sang huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông. Từ Hà Đông theo quốc lộ 6, qua cầu Mai Lĩnh và phía sau thị trấn Chúc Sơn, đi thêm chừng 2km thì rẽ tay phải, men theo chân núi Sở khoảng 3km sẽ tới.


Núi Sở là con ngựa, cạnh đó có núi So là con hổ, các gò đồi xung quanh có các tên là con Mộc, con Hỏa, con Long… Tất cả đã tạo cảnh quan văn hóa hội xuân chơi núi, chơi hang. Chùa trải rộng trên quả đồi, hướng Nam, song cổng mở đầu là hướng Đông - Nam để giáp đường đi tiện cho du khách thăm chùa. Cổng chùa được xây hai trụ lớn tạo một lối đi ở giữa, hai bên là hai tường nối với hai trụ nhỏ, như vậy mang tính chất nghi môn là cổng của đền - đình.


Qua cổng là một sân gạch có hai dãy hành lang ở hai bên làm chỗ bán hàng giải khát và đồ lưu niệm, cũng để du khách chỉnh đốn y trang và đồ lễ trước khi lên chùa. Cuối sân là con đường lên chùa, nhiều đổi hướng chữ chi và cũng nâng dần độ cao, ở giữa những rặng thông cổ thụ như một rừng thông sót lại. Cuối đường gạch, rẽ phải lên nhà bia kỷ niệm, rẽ trái đến Tam quan kiêm gác chuông.


Tam quan nằm trên trục tâm của khu Tam bảo, song hơi xoay lệch về phía Tây một chút. Phía dưới Tam quan là nhà Giá Ngự (hay Giá Roi) để ngày lễ rước kiệu Thánh, cùng nhân dân xem các trò vui tổ chức ở hồ bán nguyệt dưới chân núi gợi khúc sông cong tụ phúc.


Gác chuông chùa Trăm Gian là một trong số ít gác chuông cổ nhất hiện còn, có nhiều hình chạm rồng xen lẫn mây lửa thuộc cuối thế kỷ XVII sang đầu thế kỷ XVIII. Đây là kiến trúc mặt bằng vuông, hai tầng tám mái với nhiều hoa đao uốn hắt lên khiến công trình như một bông sen khổng lồ thanh quý. Phần cổ diêm lắp lan can chấn song con tiện, tạo cho bên trong thoáng mát.


Ở đây treo quả chuông lớn mang tên Quảng Nghiêm cổ tự đúc năm Cảnh Thịnh 2 (1794) là điển hình của chuông đồng Tây Sơn. Với tính chất Tam quan, gác chuông có 1 gian chính và 2 gian phụ, cả 4 vì đều có hàng cột, bộ khung bằng gỗ lim truyền lực qua 16 cột xuống chân tảng đá phân đều trên nền chùa, nhưng tập trung vào 4 cột cái.


Từ Tam quan - Gác chuông đi theo trục tâm qua khoảng sân hẹp khoảng 7 m, vượt 27 bậc đá lên sân chùa dàn ngang rất hẹp. Giữa sân kê chiếc sập đá có đặt một bát hương. Lại leo thêm 7 bậc đá nữa lên thềm chùa, hoặc rẽ ra đầu sân bên trái rồi theo đường dọc hành lang để vào sân trong của chùa với các khu nhà phụ (nhà khách, phòng tăng...) rồi lên khu Tam bảo từ phía sau nhà Hậu đường.


Khu trung tâm chùa là một tổng thể kiến trúc đông đặc, trong đó các tòa nhà Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện kết hợp với nhau thành một nội thất thống nhất theo chữ công, lại có hành lang dài ở hai bên ăn thông với Tiền đường ở phía trước và Hậu đường ở phía sau, bao lại thành một kiến trúc đóng có hình chữ quốc.


Ngoài ra, khoảng sân sau Thượng điện trước Hậu đường dựng tòa Phương đình treo cả trống và khánh, được xem như một nốt son điểm vào giữa chữ “quốc”, cũng là chỗ cho du khách ngồi nghỉ ngắm các chậu hoa cây cảnh điểm tô ở xung quanh. Ngoài ra còn vườn tháp mộ sư và 4 miếu Tứ Trấn ở 4 góc đồi.


Từng ấy công trình ở hai khu chính và phụ gắn bó với nhau theo hai không gian đạo và đời, khác nhau nhưng lại hòa quyện thống nhất dàn khắp đỉnh đồi. Khu trước hoàn toàn là kiến trúc tôn giáo, phục vụ đời sống tâm linh, được quây kín theo kiểu nội công - ngoại quốc, nhưng chẳng những hệ thống của bức bàn phía trước Thượng điện có thể đóng hoặc mở tùy ý, mà các khoảng sân ở trước các dãy hành lang và trước tòa Phương đình tuy đóng ngang nhưng lại mở dọc, vẫn tiếp với bầu trời để nhận ánh sáng và mưa gió.

Tính gian theo kiểu truyền thống được phân ra bởi các vì, thì tòa Tiền đường 7 gian, trong khi đó cùng chiều dài nhưng Hậu đường bố trí thành 9 gian. Thượng điện chỉ 3 gian nhưng mái trước kéo dài, có tường bên kéo thẳng sang Tiền đường như kiểu chữ đinh, tuy nhiên phần mái vẫn chừa ra khoảng nhỏ ở hai bên Thiêu hương để duy trì truyền thống chữ công và cũng là để bổ sung ánh sáng cho Phật điện trong nội thất.


Theo bia Quảng Nghiêm tự bi ký dựng năm Hoằng Định 4 (1603) thì chùa này đẹp nhất phủ Quốc Oai, ở đây Bồ tát Khai Sơn đã tu thành đạo quả và sau đó, Bảo Sơn tiên sinh xây dựng Đà cung. Năm Đinh Sửu (1577) trùng tu các tòa Tiền đường, Thiêu hương, bộ khung gỗ hiện còn là thuộc lần làm lại ở thời Nguyễn. Những thập niên gần đây chùa liên tục được sửa chữa, cơ bản theo mẫu còn thấy hồi thế kỷ XX. Các bộ phận kiến trúc chủ yếu bào trơn đóng bén, soi gờ chạy chỉ, dáng thanh thoát.


Chùa Trăm Gian ngoài thờ Phật còn thờ đức thánh Bối, ở đây hiện ghi là: “Đại Thánh Khai Sơn Bình Đẳng Hành nghĩa tín Bồ tát”. Khu thờ Thánh không xây riêng mà quây ván bưng bên trái Thượng điện, cũng gọi là Cung Thánh thiêng liêng chỉ nhà sư được vào hành lễ.


Hệ thống tượng ở đây đầy đủ cho một Phật điện thông thường, từ Tam Thế xuống đến Hộ Pháp. Đặc biệt pho Tuyết Sơn bắt chước bố cục Tuyết Sơn chùa Tây Phương, song các đường gân và mạch máu lại nổi lên rất rõ. Trong số tượng hậu Phật, chùa Trăm Gian nổi lên tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông - một quan võ ở thời Tây Sơn, sau chiến công đánh thắng quân Thanh đầu xuân Kỷ Dậu (1789) đã về quê đóng góp vào việc tu bổ chùa, được tạc tượng chân dung thờ ở chùa ngay khi còn sống, tương truyền giống đến mức khi rước vào chùa, người xem không phân biệt được kiệu người hay kiệu tượng.


Ngoài ra chùa Trăm Gian còn có một số hiện vật thuộc loại hiếm quý. Đó là rồng đá thời Trần làm lan can thành bậc cửa chùa, có thân dài mập nhưng ghép đầu rồng thời Nguyễn. Đó là những viên gạch thời Mạc được xây bệ tượng Tam Thế, nhiều viên chạm chim thần và các con thú rất sinh động. Đó cũng là bộ tranh La Hán và tranh Thập điện được chạm nổi có kết hợp vẽ…


Đức thánh Bối tên tục Nguyễn Bình An đã tu luyện ở đây thành Thánh với chức danh Bồ tát bình đẳng hành nghĩa, khi sống có tài đi mấy bước về quê Bối Khê lấy cà muối và niêu cơm mà cả trăm thợ dựng chùa ăn không hết, khi hóa rồi còn làm mưa máu đuổi giặc Minh.

Tương truyền năm 95 tuổi, ngày rằm tháng chạp, nhân dân lễ Phật thành đạo, Ngài vào khám ngồi nhập tịch. Đến mồng 4 tết dân ngửi thấy mùi thơm mới mở khám xem, từ đấy thành ngày hội chùa hàng năm gắn với hội chùa thi xôi chuối của cư dân nông nghiệp. Ngày 12 tết, dân Bối Khê sang đòi rước thi thể Ngài về quê, sau hồi dàn xếp chỉ rước phù hương về thờ. Từ đó dân hai làng kết tình anh em, giữ mối thân tình đến tận ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét