Rối nước làng Ra trong hội chùa Thầy |
Trống hội làng này, làng kia nghe tỏ. Có thể xa xưa người làng này có con dâu, con rể làng bên kia mà các làng nghề thường sát nhau cũng nên. Phường rối làng Ra được xem là cái nôi của rối nước xứ Đoài.
Rối làng Ra không chỉ có bề dày lịch sử ngót ngàn năm mà còn vững vàng qua các thời kỳ chiến tranh, khó khăn kinh tế, chưa bao giờ bị gián đoạn hay tan rã. Rối làng Ra là hiện thân của sức sống, sức sáng tạo của làng nghề Việt Nam, là kết tinh của vẻ đẹp tâm hồn và nghị lực của những người nông dân nghệ sỹ. Mỗi phường rối đều có tính bản địa khác nhau. Truyền thuyết kể rằng, pháp sư Từ Đạo Hạnh về vùng này thấy đất Sài (nay là Sài Sơn, Quốc Oai) phong cảnh hữu tình, dân cư trù mật, ngài đã cho xây dựng ngôi chùa, nay là Chùa Thầy để truyền đạo làm thuốc và dạy học… Ngài thấy dân cư không chỉ giỏi nghề canh nông mà còn biết nhiều nghề thủ công như nghề mộc, nề, gốm… nên ngài đã dạy cho dân trong vùng nghề rối nước. Nay tích diễn của phường vẫn còn tiết mục là sự khác biệt nhất so với các phường lân cận trong vùng. Và chính những tích cổ mà phường hiện vẫn đang diễn đã minh chứng cho sự vượt trội của họ với các phường khác. Cũng như Chàng Sơn, làng Ra cũng có kho đựng các quân rối cổ quí. Dự đoán những con rối này cũng đến 400 năm tuổi. Những quân rối cổ còn lại không chỉ là nguyên mẫu chuẩn mực của tạo hình mà còn là tâm huyết cốt cách của tiền nhân gửi lại cho phường.
Phường rối làng Ra hội tụ những người đồng quan điểm, giữ nghề trên cơ sở kế thừa, nhất nhất coi trọng tôn chỉ của phường. Có thể đây là hướng đi của họ trong sự khó khăn của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Thế mạnh của họ nằm ở sự nguyên mẫu của các tích cổ, từ tạo hình cho đến âm nhạc và thể hiện. Cả tháng, cả năm mải làm ăn, tập luyện cố lắm cũng là tranh thủ, thế nhưng đã nhận lời diễn thì thật sự hoàn chỉnh. Vậy nên đã vào phường là công thật, danh thật, còn công sá chẳng đáng bao nhiêu. Dẫu vậy cũng đủ để họ thăng hoa sáng tạo làm phong phú vốn quí của làng.
Người trong làng không chỉ giữ hình hài con rối, truyền cách đục, cách diễn cho con cháu mà cốt lõi là truyền cái nhiệt huyết sáng tạo cho lớp sau để giữ tiếng, giữ nghề. Người trong làng, trong phường thời chiến tranh đã lo mất số rối cổ. Nhưng sau đó, khi về làng người ta đãđốt đuốc đi tìm và thấy chúng trong hậu cung của đình làng, mọi người ồ lên vui mừng. Những con rối cổ vô tri đã mang sức sống tiềm ẩn của nghề, cho người ta chỗ dựa vững chắc để tiếp bước tiền nhân. Rối có mặt trong các đám hội làng, rối mang khát vọng thành thực của người sáng tạo và người thưởng thức đến đám hội, để người ta phút chốc quên đi những nhọc nhằn của việc đồng áng, công thợ. Rối cho người ta nhìn về quá khứ với những ý niệm về làng xã, dân tộc và Tổ quốc. Rối làng cho người ta biết yêu và nhớ quê hương, để rồi trỗi dậy những tình cảm cao đẹp và trách nhiệm công dân. Dân gian tìm thấy cộng đồng, nhưng cũng biết giữ cộng đồng của mình là như vậy.
Ở làng mỗi người có một cách trân trọng và lưu giữ nghề riêng. Như ông Nguyễn Văn Tâm, một quân nhân nghỉ hưu có một bộ sưu tập của riêng gia đình mình. Ông tìm cách đưa rối làng Ra đi xa và phát triển trong xu thế cạnh tranh khốc liệt của nhiều bộ môn nghệ thuật hôm nay. Dù bằng cách nào đi chăng nữa cũng đáng ghi nhận tất cả những suy nghĩ và việc làm của những nghệ sỹ của làng quê, họ đã sống có nghề và hơn ai hết biết cống hiến cho nghề.
Giờ làng đã thành phố, mong sao cái vốn liếng nghề rối ngót 1000 năm của làng không bị mai một mà còn toả sáng trong tâm thế chủ động hội nhập .
Theo Hanoinet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét